Những thiên thần áo trắng

Từ nhỏ tôi vẫn ước mơ là khi học xong Trung Học tôi sẽ thi vào Y Khoa. Hình ảnh của những vị Bác Sĩ, những người y tá trong  chiếc blouse trắng tinh đã theo tôi cả vào giấc ngủ.  Tôi đem ước mơ nầy kể cho Me tôi nghe, bà cụ cười cười nhìn tôi trả lời:" Nhắm có nổi không đó ?  Nhà mình nghèo lắm nghe con  !  Nhưng nếu con học giỏi thì giấc mơ làm Bác Sĩ của con cũng không khó thực hiện lắm đâu.  Me tin ở con"
Đậu Tú Tài I Ban Toán xong, tôi chuyển qua học Ban Khoa Học thực nghiệm để làm quen dần với những phần Anatomie, Biologie và để làm quen với những lần thực tập mổ những con vật nhỏ trong phòng thí nghiệm .  Và cũng vì đổi từ Ban B sang Ban A nên tôi cũng " trầy da tróc vảy" với mấy cuốn Sinh Vật dày cộm.  Chỉ vì tôi lười học thuộc lòng quý vị ạ !
Tôi phải "toát mồ hôi, sôi nước mắt " ( nói cho có vẽ cường điệu một tí !)  mới vượt qua nổi cái Tú Tài 2 Ban A !  Me tôi hỏi : "Có được hạng cao không con?"  Và khi thấy tôi nhăn nhó, Me tôi an ủi :" Thôi thì hạng Thứ cũng được rồi !"  Ba tháng Hè, tôi quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Tôi đi tìm mấy vị đàn anh đang học năm thứ 2 hoặc thứ 3 để hỏi thăm kinh nghiệm học thi PCB, và mượn mấy tập Cours để xem trước.  Và tối tối cứ nằm mơ mình đang là Bác Sĩ mặc blouse trắng đi dọc theo các hành lang bệnh viện ! Tôi kể những giấc mơ nầy cho Me tôi nghe, va bà cụ chỉ cười cười !
Hết mùa Hè năm đó, tôi xin Me tôi cho vào Sài gòn " du học " vì Đại Học Huế chưa mở chương trình Y Khoa.  Ngày đêm, tôi miệt mài lao vào mấy cuốn  Lý Hóa Sinh đến phờ phạc cả người.  Một buổi sáng chủ nhật, vị đàn anh của tôi ghé nhà rủ rê   "Tôi sẽ đưa chú đi làm một cuộc "Y Khoa nhập môn"  ở Bệnh Viện Chợ Rẫy.  Tôi có ca trực ở đó sáng nay.  Để nắn thử xem gân cốt và tinh thần chú mầy có chịu nổi không trước khi thi vào Y Khoa ."  Tôi mừng quá, vì đây là dịp may hiếm có để làm quen với một môi trường mà mình sắp dấn thân vào !
Tôi lẻo đẻo đi theo " sư phụ " thăm bệnh nhân từ phòng nầy sang phòng khác, gương mặt mỗi lúc một tái xanh .  Vì có quá nhiều những ca chấn thương  nặng được đưa vào bệnh viện hôm đó .  " Sư phụ" liếc sơ qua anh chàng " đệ tử" và cười.  Trưa hôm đó, mặc dù anh bạn mời một bữa ăn trưa khá thịnh soạn , nhưng tôi không tài nào nuốt trôi được ! Trước khi tiễn đàn em ra về, "sư phụ" vẫn chưa chịu buông tha:" 2 tuần nữa, chú sẽ đi với anh vào Bệnh Viện Từ Dũ.  Anh trực nguyên ngày hôm đó.  Để chú làm quen với các sản phụ" !
Nghe đến đây tôi lại hoảng thần hồn nữa !  Mới chỉ thấy những ca bị chấn thương được đưa cấp cứu vào Chợ Rẫy mà tôi đã xanh mặt rồi, huống chi là chứng kiến và nghe những sản phụ la hét khi sắp sinh ?   Rồi tuần sau đó, khi từ  Bệnh việnTừ Dũ về, tôi lại bỏ cơm !  Chà, điệu nầy coi bộ không làm Bác Sĩ được rồi !
Rồi sau cùng cũng đến ngày thi PCB.  Vào làm bài thi, có lẽ vì còn bị ám ảnh bởi hai lần "Y Khoa nhập môn" với bậc đàn anh nên tôi không còn biết là mình đã làm bài ra sao nữa. Chắc là tệ lắm !
 " Bảng hổ đề tên" vào Dự Bị Y Khoa năm đó không có tên tôi !  Đúng là số tôi sinh ra không phải để trở thành một thiên thần áo trắng rồi. Tôi gửi điện tín báo tin thi rớt Y Khoa và xin lỗi Me tôi là tôi đã phụ lòng bà.  Tôi chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn khác hẵn mà tôi sẽ viết hầu kể với quý vị sau ở một bài khác.
 Khi qua đến Mỹ, tôi chuyển ước mơ được khoác blouse trắng ( lại cũng ước mơ nữa !) đó qua con trai tôi, như nhà văn Doãn quốc Sỹ đã viết trong chuyện ngắn : "Cánh tay nối dài" mà tôi đã được đọc hồi còn đi học. Ước mơ chỉ thành sự thật có một nữa . Cũng áo blouse trắng, nhưng là của ngành Pharmacy.  Thôi thế cũng đã vui lắm rồi  ! Dầu sao trong gia đình cũng có được chiếc áo blouse trắng để  khỏi phụ lòng Me tôi.
Cho đến khi gia đình có người vào nhập viện để điều trị, tôi lại càng yêu thương và kính phục các Bác Sĩ, Y Tá Mỹ Việt , những lương y như từ mẫu đúng với nghĩa của nó.  Ngoài chuyên môn tuyệt vời của các Bác Sĩ, ngoài sự tận tâm của các Y Tá tôi lại càng kính phục hơn nụ cười luôn nở trên môi họ. Nói năng nhỏ nhẹ với bệnh nhân và người nhà, sẳn sàng có mặt khi nghe tiếng chuông của bệnh nhân gọi, kể cả lúc đêm hôm khuya khoắc.  Tôi đã được gặp và tiếp xúc với những thiên thần aó trắng như thế.
 Bài viết ngắn nầy là để tạ ơn những chiếc áo blouse trắng đã đem lại sự sống cho thân nhân tôi, đã an ủi chúng tôi trong những lúc tinh thần và thể xác chúng tôi hoàn toàn kiệt quệ.
 Và cũng để cám ơn nền Y Học tuyệt vời của nước Mỹ đã đào tạo ra những thiên thần áo trắng đó.
  
Phạm Ngọc
LA
Một đoạn ngắn hồi ký của tác giả PNT