Xin hãy mỉm cười với nhau – mỉm cười với vợ mình, chồng mình, mỉm cười với các con – mỉm cười với mọi người, bất kể là ai – và bạn sẽ thấy nụ cười làm cho mình lớn dậy trong một tình yêu không giới hạn.
Mẹ Teresa
Cách đây hơn 10 năm tôi đã có phiên dịch bài này nhưng văn bản đã thất lạc. Hôm nay đọc lại bài The Smile vẫn cảm thấy ý nghĩa đẹp đẽ nên xin dịch lại dưới đây để gởi tới bạn bè. NS
Nhiều người Mỹ từng biết đến cuốn Cậu Hoàng Bé tuyệt vời của Saint Exupery. Ðây là cuốn sách rất vui và kỳ ảo dành cho trẻ con và cả người lớn khi gợi lên nhiều điều để suy nghĩ. Trong khi đó ít người biết tới những cuốn tiểu thuyết khác và các truyện ngắn của nhà văn này.
Ðược biết Saint Exupery là phi công chiến đấu chống Ðức quốc xã và đã tử trận khi lâm chiến. Trước Thế Chiến II, ông tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha chống Phát xít. Và ông đã viết một cuốn truyện hấp dẫn nhan đề là Nụ Cười (The Smile) dựa trên kinh nghiệm đã trải qua. Không rõ đó là tự truyện hay hư cấu. Riêng tôi thì tin là sự thật của đời ông.
Tác giả kể rằng trong lúc lâm chiến ông bị kẻ thù bắt và giam trong phòng kín biệt lập. Qua những cái nhìn đầy khinh thị và qua cách đối xử tàn bạo mà ông phải gánh chịu mỗi ngày, ông biết rằng ông sẽ được đem xử tội ngày mai.
Và… thưa bạn đọc, từ đoạn này trở đi tôi sẽ xin thuật lại câu chuyện tôi nhớ được theo ngôn ngữ riêng của mình.
“Tôi biết chắc là tôi sẽ bị hành quyết. Tôi hết sức hoảng sợ và sống trong dằn vặt. Tôi lục túi quần xem còn có điếu thuốc nào sót lại sau cuộc lục soát của bọn cai tù. Còn được một điếu. Và vì quá run rẩy tôi chỉ có thể gắn nó lên môi. Nhưng tìm đâu ra lửa, mớ diêm quẹt của tôi đã bị chúng tịch thu.
“Tôi nhìn qua song sắt phòng giam. Tên lính gác tránh nhìn tôi. Ôi, nhìn làm chi một cái xác không hồn. Tôi lên tiếng gọi anh ta. ‘Anh có lửa không? Làm ơn châm giùm điếu thuốc.’ Anh ta nhìn tôi, rồi tiến tới châm lửa cho tôi.
Khi anh ta đến gần, bật cây diêm lên, thì mắt anh ta chạm mắt tôi. Ðúng lúc đó tôi hé môi cười. Tôi không biết tại sao tôi làm vậy. Có lẽ vì luống cuống. Có lẽ khi người ta quá gần sát nhau thì không thể nào không mỉm miệng cười. Dù sao đi nữa tôi cũng đã mỉm cười. Trong khoảnh khắc đó, dường như có một tia lửa bật lên giữa hai trái tim, hai tâm hồn. Tôi biết anh ta chẳng muốn thế đâu nhưng nụ cười của tôi đã xuyên qua song cửa nhà tù và làm nở ra nụ cười trên môi anh ta. Người lính châm thuốc cho tôi và vẫn tiếp tục đứng sát, nhìn thẳng vào mắt tôi với nụ cười trên môi.
“Tôi tiếp tục mỉm cười với anh ta, và bây giờ thì tôi ý thức được rằng anh ta là một con người chứ không phải một tên cai ngục nữa. Cái nhìn của anh ta như có một chiều hướng mới. ‘Anh bạn có con không vậy?’ Anh ta hỏi tôi.
“ ‘Có ạ! có. Ðây, tụi nó đây.’ Tôi mở ví ra và lính quýnh lật tìm hình gia đình. Người lính cũng vậy. Anh ta lấy hình các con ra cho xem và bắt đầu nói về những dự tính cho tương lai lũ trẻ cùng những hy vọng về chúng. Mắt tôi đầm đìa lệ. Tôi nói tôi lo sợ sẽ không bao giờ gặp gia đình nữa để nhìn thấy lũ trẻ lớn lên. Tới đây mắt người lính cũng đầm đìa lệ.
“Thế rồi… Không nói thêm lời nào anh ta mở khóa phòng giam và lặng lẽ thả tôi ra. Không nói một lời, bằng những lối sau, anh đưa tôi ra khỏi thành phố. Tới nơi, anh thả cho tôi đi. Rồi không một lời, anh quay lưng trở lại thành phố,
“Ðúng là cuộc đời tôi được cứu vớt nhờ một nụ cười.”
Vâng, nụ cười hồn nhiên, không dụng ý, đó là sự kết nối vô hình giữa người và người.
Tôi kể câu chuyện này cho anh em trong sở nghe vì tôi muốn họ hiểu rằng dưới những lớp vỏ bọc giả tạo là trái tim trong trắng của con người. Và khi hai trái tim thuần khiết đến với nhau ấy là sự cảm thông trọn vẹn. Câu chuyện của Saint Exupery kể chính là để nói lên cái khoảnh khắc màu nhiệm khi hai tâm hồn nhận ra nhau.
Riêng tôi cũng đã có những khoảnh khắc như vậy. Khi trái tim rung động vì tình yêu chẳng hạn. Và khi nhìn ngắm một đứa bé. Tại sao chúng ta mỉm cười khi nhìn một em bé? Có lẽ vì chúng ta thấy một con người không có những lớp vỏ bọc để tự vệ, một con người cho ta nụ cười hoàn toàn chân thực không ẩn ý.
Như Sao
(theo Mark Victor Hansen)
suu tam
PNTrac/Cali
No comments:
Post a Comment