Cuối
cùng thì những dự định, hy vọng, ước mơ, hoài bão cũng chỉ là khói
bụi tan đi như những đám mây trên bầu trời mênh mông, vô tận kia. Đến
một ngày rồi ai ai cũng đều phải trả lại cho đất trời những gì đã vay
mượn để trở về. Sự chấm dứt của kiếp người là điều tất yếu, phải như
vậy, không thể khác, không thể có điều ngoại lệ. Đó là sự bình đẳng,
công bằng và cũng là niềm an ủi cho tất cả mọi sinh linh có mặt trong
cuộc sống ở thế gian này.
Sự sống là một điều kỳ diệu. Có lẽ mọi
vật hữu tình từ đơn bào cho đến sinh vật thượng đẳng là con người đều có
một mong ước giống nhau là kéo dài sự sống, nhưng “tuổi thọ” của muôn loài đã được quyết định bởi những yếu tố mang tính chất định luật mà mọi sinh linh có sự sống không dễ gì vượt qua.
Hiện nay, cho dù có nền y học tiên tiến vượt bực mà loài người đã đạt
được thì tuổi thọ của con người cũng không sánh kịp với tuổi thọ của
loài rùa. Thực vật cũng là một dạng sống, có những loài cây có tuổi thọ
từ vài trăm năm đến cả ngàn năm. Như loài thông có tên Bristlecone ở Bắc
Mỹ có tuổi thọ đến 4.500 tuổi. Gần đây, có một số phát hiện khoa học
cho rằng có sinh vật “lách” khỏi qui luật sinh tử khắc nghiệt của tạo
hóa để trường tồn mà không hề biết “thời gian, tuổi thọ” là gì.
Các nhà nghiên cứu thuộc Pennsylvania
State University cho biết loài sứa Turritopis Nutricula là sinh vật thủy
tức có thể quay ngược vòng đời của chúng từ thời kỳ trưởng thành trở
lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó tiếp tục phát triển; nhờ vậy chúng
trở nên bất tử. Loài sứa này vốn được phát hiện ở vùng biển Địa Trung
Hải từ năm 1883 nhưng khả năng độc đáo của chúng thì chỉ mới được quan
tâm từ hồi thập niên 1990. Người ta tìm thấy ở chúng một quá trình
chuyển dịch tế bào, từ một dạng tế bào này có thể chuyển đổi thành một
dạng tế bào khác và có khả năng liên tục tái tạo toàn bộ cơ thể của
chúng.
Khả năng này hiện vẫn là điều bí mật của
tự nhiên và đang được các nhà khoa học tập trung giải mã với hy vọng có
thể từ đó tìm ra những phương thức chống lại bệnh ung thư ở loài người.
Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận về khoa học, không ít người tuyên
bố rằng không có bằng cớ về sự bất tử của loài sứa này; vì lẽ người ta
không thể theo dõi cùng một con sứa trong vài chục năm, cả trăm năm, hay
nhiều thế kỷ; hơn nữa, chúng vẫn không thể thoát khỏi tình trạng bị ăn
thịt, gặp tai nạn, hoặc nhiều hoàn cảnh vô thường khác. Vả chăng, khi
chúng tái tạo toàn bộ cơ thể từ giai đoạn ban đầu của một sinh vật đơn
bào dạng ống thì chúng đã là một sinh vật khác, không còn là sinh vật cũ
để bảo rằng chúng bất tử!
Nói khác đi, định luật sinh lão bệnh tử vẫn là một định luật khắc
nghiệt áp dụng cho mọi hình thái sinh vật, áp dụng cho mọi chúng
sinh! Sống và được sống là điều mà tất cả mọi sinh linh đều tha thiết và
mong ước, nhưng sống để làm gì? Sống có ích gì cho đồng loại? Đó là
điều thiết yếu và quan trọng. Phù dung là một loại hoa mỏng manh,
quí phái nhưng lại có một đời sống ngắn ngủi “sớm nở tối tàn”. Tuy
nhiên, trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi đó, phù dung đã tô điểm, mang
lại cho đời vẻ đẹp thanh tao, cũng là điều đáng quí.
Trời đất thì bao la, thời gian thì vô tận, kiếp người cũng như loài
hoa phù dung, thấy đó rồi mất đó, sắc sắc không không, như cơn gió
thoảng qua, như một vạt nắng hắt hiu còn sót lại của một buổi
chiều. Nếu chúng ta tỉnh thức và quán tưởng về cuộc đời, chúng ta sẽ
thoát khỏi ảo tưởng thân này là tự ngã. Khi thực hành được điều này, nỗi
sợ hãi âu lo về sinh tử sẽ nhẹ nhàng hơn, như trút bỏ lớp áo nặng nề mà
bấy lâu nay cứ đeo bám bên người.
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra ở ngày mai, có thể đó là điều tốt
lành nhất hay điều tồi tệ nhất sẽ đến với chúng ta, nhưng chắc chắn một
điều là ngày mai sẽ đến và có một lúc chúng ta sẽ không còn có mặt trong
cuộc sống này. Cái chết làm chúng ta sợ hãi nhưng xét cho cùng sự chấm
dứt đó là một món quà, như một niềm an ủi mà tạo hóa dành tặng riêng cho
mỗi sinh linh.
Phạm Thanh Chương
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 148
suu tam
TTDiep
Houston
No comments:
Post a Comment