Trong chúng ta, nhiều người thường
nhầm lẫn vấn đề phòng bệnh với chữa bệnh. Phòng bệnh là các phương pháp được áp
dụng cho những người khỏe mạnh hoặc có yếu tố nguy cơ của một bệnh nào đó. Còn chữa
bệnh là những phương pháp được áp dụng để chữa khỏi các căn bệnh đã thể hiện
ra. Ví dụ, người ta phòng ngừa loãng xương bằng cách uống sữa từ khi còn trẻ,
chứ không phải đợi đến lúc bị loãng xương rồi mới tìm sữa để uống.
Ði bộ được xem là một phương
pháp phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Nó tiện lợi vì bất cứ ai cũng có thể luyện tập
được, không cần trang bị dụng cụ gì ngoài một đôi giày; không cần thể lực cường
tráng cũng như năng khiếu. Vì thế được những người cao tuổi rất ưa chuộng.
NGƯỜI CAO TUỔI CÓ NÊN TẬP ÐI BỘ
?
Giống như mọi môn thể thao
khác, đi bộ giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Nó thích hợp cho những bệnh
nhân tim mạch vì không cần tốn nhiều sức lực, động tác đơn giản, có thể tự điều
chỉnh cường độ và thời gian luyện tập. Tuy nhiên không phải ai tập đi bộ cũng
cho kết quả tốt. Có nhiều người càng đi lại càng bị đau nhiều hơn, đặc biệt là
những bệnh nhân đau khớp.
Với những khớp gối bình
thường, khi duỗi gối, lực ép lên khớp chè đùi gần bằng 0. Khi đi bộ, lực ép này
bằng 1/2 trọng lượng cơ thể, tức vào khoảng 25-40kg. Người càng béo thì tải
trọng này càng lớn và lực càng tăng khi thời gian đi càng dài. Ðiều này giải
thích nguyên nhân vì sao một số người cảm thấy đau gối sau khi tập đi bộ. Cơn
đau này không giảm đi mà ngày một tăng dần, tỷ lệ thuận với thời gian đi bộ, trọng
lượng cơ thể và mặt dốc, độ gập ghềnh của đường tập.
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân
đau khớp dù thấy đau cũng cố gắng tiếp tục tập đi bộ, vì vậy có thể dẫn đến hậu
quả là khớp ngày càng tổn thương nhiều hơn. Mà đau chính là dấu hiệu báo động của
cơ thể, khi đó cần phải giúp cơ quan bị bệnh được nghỉ ngơi để hồi phục trở
lại. Khớp xương cũng vậy, khi đau nhức là do bị viêm khớp, sự nghỉ ngơi lúc này
rất cần thiết và cũng là phương pháp giúp giảm đau. Nếu cứ đi bộ trong khi viêm
khớp gối, chắc chắn bệnh nhân sẽ bị đau hơn.
Ða số người cao tuổi ai cũng
bị thoái hóa khớp gối (osteoarthritis). Thực chất của bệnh là tình trạng lão
hóa của khớp gối qua nhiều năm; Các lớp sụn khớp bị hư hỏng, trục xương cong
vào trong. Càng đi nhiều sẽ càng làm khớp hư thêm. Lý do là khi đi đứng, sẽ tạo
một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hóa. Lớp sụn đó có tác dụng hấp
thu lực đè ép. Nay tác dụng này giảm đi hoặc không còn nên sẽ tạo những sang chấn
trên hai đầu xương, gây ra hiện tượng viêm khớp. Từ đó dẫn đến cơn đau khớp khi
bệnh nhân đứng hay đi. Vì thế với những bệnh nhân này, người ta khuyến cáo phải
hạn chế đi lại; Khi đi bộ, cần phải có nạng hay gậy nâng đỡ để giúp giảm tải trọng
lên bề mặt khớp hư.
Với những lý do trên, các chuyên
gia về xương khớp đã đánh giá đi bộ không phải là môn thể thao tốt đối với người
cao tuổi.
TẬP LUYỆN MÔN GÌ THÍCH HỢP
CHO NGƯỜI CAO TUỔI ?
Những người cao tuổi không có
triệu chứng đau gối vẫn có thể tập đi bộ, nhưng cần lưu ý đến cường độ và thời
gian tập luyện sao cho phù hợp với cơ thể. Khi có triệu chứng đau nhức, cần giảm
bớt mức độ tập luyện hay nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tập lại. Có nhiều người
tập đi bộ từ thời còn trẻ không có vấn đề gì, nhưng một ngày nào đó khi tuổi đã
cao bỗng thấy có vấn đề ở đầu gối. Ðó là vì họ không biết giảm bớt sự vận động
cho phù hợp với tuổi tác. Chỉ cần đi ít lại, chậm hơn một chút sẽ giúp cơ thể
dễ chịu ngay.
Người cao tuổi rất cần có sự
vận động nhưng phải phù hợp với thể trạng. Nguyên tắc vận động ở người cao tuổi
là nhẹ nhàng, chậm và liên tục. Tại sao phải như vậy? Vì cơ thể người cao tuổi như
một cái máy cũ kỹ, quá trình lão hóa khiến các hệ thống cơ bắp, dây chằng không
còn tính đàn hồi tốt nữa. Những cử động vừa nhanh, vừa mạnh có thể làm tổn
thương các cơ bắp và dây chằng vốn dĩ đã chai cứng, tính giãn nở đã yếu nhiều.
Sự cử động chậm và nhẹ sẽ giúp co giãn từ từ các dây chằng và cơ bắp. Nếu luyện
tập liên tục và đều đặn, nó sẽ giúp cải thiện rất nhiều sự dẻo dai của các khớp
xương.
Với người cao tuổi, đi xe đạp
tốt hơn đi bộ. Tốt nhất là tập võ dưỡng sinh. Ðặc điểm của các động tác trong
bài quyền được thực hiện thật chậm rãi, phong thái nhẹ nhàng, đặt ý nghĩ và hơi
thở đi theo động tác của tay chân. Nguyên lý này hoàn toàn phù hợp với thể chất
của người cao tuổi. Thực tế cho thấy nhiều người tập đã cảm thấy cơ thể ngày
càng khỏe hơn, ít bệnh tật đau ốm vặt. Tuy nhiên cần lưu ý môn võ dưỡng sinh hiện
nay đã bị người ta cải biến rất nhiều. Mỗi người thêm thắt một chút khiến nó
không còn giữ được cái thần khí nguyên thủy của người xưa. Ví dụ người ta cho
các cụ ông, cụ bà tập những bài tập khởi động của các môn thể dục thể thao
phương Tây như xoay gối, cúi gập người, bẻ lưng, thậm chí chạy nhảy tại chỗ.
Những động tác này rất hại cho các khớp, đặc biệt là cột sống thắt lưng và khớp
gối. Chúng chỉ thích hợp cho thanh niên luyện tập các môn thể thao mạnh mẽ, chứ
không phù hợp với cơ thể người cao tuổi.
BỆNH NHÂN TIM MẠCH CÓ NÊN TẬP
ÐI BỘ ?
Với những bệnh nhân trẻ tuổi,
hệ thống khớp xương gân cơ còn tốt, thì đi bộ là môn vận động hàng đầu được
chọn lựa để luyện tập, có thể giúp nâng cao sức chịu đựng và sức làm việc của
tim. Tuy nhiên, sự vận động quá mức cũng sẽ làm xấu thêm tình trạng suy tim và
bệnh thiếu máu cơ tim. Ðã có những bệnh nhân tử vong trong khi đi bộ do cố gắng
tập quá sức. Thời gian đi bộ và quãng đường đi cần được theo dõi và giám sát bởi
bác sĩ.
Với người cao tuổi bị bệnh
tim mạch thì sao? Sở dĩ bác sĩ khuyên những bệnh nhân tim mạch nên đi bộ vì đây
là một môn vận động nhẹ nhàng, không tốn nhiều sức. Ai tập cũng được vì nó đơn giản,
không cần sân tập và trang thiết bị kèm theo. Nhưng một khi đã có vấn đề xương khớp,
tại sao bạn không chọn lựa những môn khác tốt hơn như tập võ dưỡng sinh, thể
dục tay không, đạp xe đạp, bơi lội? Khi tập đi bộ, cần cân nhắc cường độ theo tuổi
tác; Thời gian tập và quãng đường đi cần phải giảm dần theo thời gian (là điều căn
bản khác với khi còn trẻ). Ði tập vào buổi sáng cần giữ ấm và mang giày thích
hợp với bàn chân. Khi có triệu chứng đau gối hay đau lưng thì lập tức phải nghỉ
ngơi hoặc giảm ngay thời gian đi.
BS. HUỲNH BÁ LĨNH
suu tam
MNLam
Cali
No comments:
Post a Comment